0903 054 537

Trang phục của người chơi tennis gây tranh cãi

Trên thực tế luôn có bộ quy tắc trang phục với môn thi đấu này nhưng vẫn gây tranh cãi.

Câu chuyện chưa có hồi kết

Trong khi những tranh cãi liên quan đến trang phục gợi cảm của các vận động viên nữ tại Olympic Tokyo 2020 chưa ngã ngũ thì nhiều người chú ý đến một bộ môn cũng có trang phục được cho là nhạy cảm: môn quần vợt. Bởi với đặc thù phải di chuyển nhanh, đáp ứng những cú đi bóng mạnh với tư thế thay đổi nên những pha “bay váy” thường xuyên xảy ra.

Môn quần vợt nói riêng và các môn thể thao nói chung, với các vận động viên nữ luôn phải chịu sự kiểm soát của một bộ phận và đề ra những yêu cầu: trang phục phải nữ tính hơn, hoặc bớt tính nữ đi; ăn mặc kín đáo vì có thể quá thu hút nam giới, hoặc hở hang một chút để lôi kéo đàn ông bỏ tiền mua vé tham gia trận đấu… Sự kiểm soát này thể hiện rõ nhất trong môn quần vợt.

Được biết, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép Ủy ban Olympic mỗi quốc gia tự ra quy tắc về trang phục cho đoàn thể thao của họ với yêu cầu duy nhất: “không được gây phản cảm”. Nhưng nhiều người cho rằng ranh giới giữa “phản cảm” và “không phản cảm” thường rất khó nhận định, vì thế luôn gây ra tranh cãi. Thông thường các nữ vận động viên quần vợt sẽ mặc áo thun với chân váy. Món đồ mà sau này được gọi là chân váy tennis. Ngoài ra, các cô gái cũng có thể mặc cả quần short.

Mắc kẹt giữa những tranh cãi

Trong những ngày diễn ra Thế vận hội Olympic 2020 tại Tokyo, một trong những cái tên được nhắc đến trong những trận thi đấu quần vợt là cái tên Camila Giorgi (sinh năm 1991)- cô cũng chính là ngôi sao tennis đại diện cho đội tuyển Italy tại giải đấu này. Bên cạnh những thành tích xuất sắc thì hình ảnh “bông hồng làng banh nỉ” với những pha “bay váy” hay hớ hênh với váy áo khi đang thi đấu trên sân cũng được ống kính phóng viên ghi lại.

Hay như tại giải quần vợt Wimbledon, bên cạnh các tin tức chuyên môn về thể thao, vấn đề trang phục tại giải cũng là điều khiến nhiều khán giả quan tâm. Từ khi ra đời là năm 1877 cho đến nay, ban tổ chức giải đấu đã rất nhiều lần buộc phải đề nghị chỉnh sửa nhiều mẫu váy quá ngắn. Bởi nhiều tay vợt thay vì tập trung vào trận đầu thì phải bối rối vì “đánh vật” với chiếc váy hớ hênh. Và thực tế đã có rất nhiều sự cố liên quan tới trang phục xảy ra, những hình ảnh được cho là “thảm hoạ” bên lề Wimblendon khiến người xem đều có cảm giác ngượng ngùng.

Quy định trang phục quần vợt ngặt nghèo nhất lại không phải ở Thế vận hội?

Dù ra đời gần 150 năm nhưng phải đến năm 2014, bộ 10 quy tắc về trang phục tại Wimbledon mới được ban hành. Trong số này có nhiều luật lệ đáng chú ý như: cấm màu trắng nhạt hoặc màu kem, trang phục không có viền màu rộng quá 1cm, mặt sau của trang phục bắt buộc phải có màu trắng, các phụ kiện như giày, tất, băng tay, quần áo lót phải có màu trắng. Không những vậy, thiết bị y tế trên sân cũng phải có màu trắng, trừ các trường hợp khẩn cấp. Sở dĩ, tất cả trang phục phải màu trắng vì nó là biểu tượng của sự tinh khôi, sang trọng, lịch lãm bởi vậy ban tổ chức muốn Wimbledon trở thành một giải đấu quý tộc, khác biệt hoàn toàn so với các giải khác.

Lật lại lịch sử, năm 1911 nữ tay vợt người Pháp nổi tiếng Suzanne Lenglen gây chấn động Wimbledon khi mặc một chiếc váy dài đến bắp chân, không có váy lót và áo nịt ngực. Mọi người gọi hành động này là “không đứng đắn” hay “tình dục hoá thể thao”. Hay 30 năm sau, khi tay vợt người Mỹ Gertrude Moran mặc chiếc váy tennis dài đến giữa đùi. Một lần nữa, ban tổ chức Wimbledon tuyên bố bà đã “mang lại sự thô tục và tội lỗi vào môn quần vợt”.

Còn hiện tại, để giám sát chặt chẽ quy định về trang phục, giải Wimbledon đã xây dựng hẳn một hệ thống nhân viên quản lý về vấn đề phục thi đấu của các vận động viên, ngay cả các trọng tài cũng được giao nhiệm vụ giám sát. Bạn phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt mọi quy định về phục trang nếu muốn có mặt tại giải đấu được cho là danh giá này.